0 Giỏ hàng

0866.187.288

0935.118.057

danh mục sản phẩm

Thu nhập người lao động tăng bao nhiêu trong 6 tháng đầu năm 2024

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

 

Riêng quý II, mức thu nhập trung bình tháng đạt 7,5 triệu đồng, giảm 137.000 đồng so với ba tháng đầu năm nhưng tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là các khoản phụ trội bổ sung, tiền thưởng, phúc lợi dịp Tết nguyên đán thường được chi trả dịp đầu năm.

 

Thu nhập bình quân tháng tăng ở hầu hết ngành kinh tế, trong đó một số ngành trội hơn gồm: cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 9,1 triệu (tăng 17,4%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 11,2 triệu (tăng 15,2%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 12,4 triệu (tăng 10,6%); kinh doanh bất động sản 11,2 triệu (tăng 6,9%).

 

Thị trường nửa đầu năm 2024 có điểm sáng khi lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195.700 người (tăng 0,38%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đất nước vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô trong độ tuổi lao động dồi dào, tăng hàng năm.

 

Cả nước còn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,27% và không đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 là 8%, gấp hơn 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung trong độ tuổi lao động của cả nước. Đây là lực lượng trẻ, có trình độ nên nhu cầu việc làm cao, nhiều cơ hội lựa chọn công việc đúng ý hơn là việc làm tạm thời. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị cao gấp 1,5 lần so với khu vực nông thôn.

 

Hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên là thách thức lớn mà thị trường lao động đang phải đối mặt, đặt ra tính cấp thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lao động phi chính thức vẫn chiếm trên 65% tổng lực lượng có việc làm của cả nước cho thấy thị trường dù hồi phục nhưng chưa bền vững.

 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm cũng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số này tăng do nhiều yếu tố, đáng kể là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4%. Trong đó riêng lương thực tăng 15,76%; thực phẩm 2,05%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,13%.

thu-nhap-nguoi-lao-dong-tang-bao-nhieu-trong-6-thang-dau-nam-2024

 

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,5%. Trong đó giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tăng 4,95%; giá điện tăng 9,45%; nước sinh hoạt 10,15%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do một số tỉnh thành tăng mức học phí năm học 2023-2024. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.

 

Nhằm kiềm chế lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét không điều chỉnh nhiều loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý cùng một thời điểm, tránh cùng lúc với tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cũng không nên dồn vào các tháng cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

vnexpress

 

Lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7/2024 khiến doanh nghiệp lo chi phí cao, giảm cạnh tranh, trong khi người lao động mừng vì có thêm khoản bù đắp cho sinh hoạt.

Hơn 3.200 lao động của Việt Thắng Jean, một doanh nghiệp trong ngành dệt may, sẽ được điều chỉnh lương trong tháng tới, theo Nghị định 74 của Chính phủ. Dù chưa có con số điều chỉnh cụ thể, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jean, nhận định việc này sẽ tạo thêm một khoản chi phí không nhỏ cho doanh nghiệp.

"Chúng tôi đối mặt với tình thế khó chồng khó", ông Việt nói, thừa nhận doanh nghiệp cũng không thể không tăng lương cho người lao động, dù kinh doanh đang gặp nhiều thách thức.

Theo Nghị định 73, từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng một tháng. Còn lương tối thiểu tháng theo vùng của doanh nghiệp, theo Nghị định 74, tăng 6%, tức là người lao động có thêm 200.000 – 280.000 đồng (tùy khu vực). Cụ thể, vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41; vùng 3 là 3,86 và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Sau điều chỉnh, lao động tại hai thành phố là TP HCM và Hà Nội sẽ có mức lương tối thiểu 4,96 triệu đồng (khoảng 193 USD một tháng), tăng xấp xỉ 80% so với thập kỷ trước.

Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600-23.800 đồng.

luong-toi-thieu-vung-2024

Lương tối thiểu tháng và giờ tăng 6% từ 1/7. Đồ họa: Đỗ Nam

 

Giai đoạn 2008-2019, khoản này được điều chỉnh đều qua các năm, bình quân 120.000-650.000 đồng. Mức tăng lần này chỉ 6%, song với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ hay thủy sản... điều chỉnh lương tạo áp lực đáng kể với chủ doanh nghiệp.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có gần 65.000 lao động làm việc tại các nhà máy, công ty trực thuộc, với mức thu nhập bình quân khoảng 9,5 triệu đồng một tháng. Ông Cao Hữu Hiếu, CEO Vinatex cho biết các doanh nghiệp dệt may đang "dễ thở" hơn khi đơn hàng không còn quá khó như năm trước, song giá đơn hàng chưa hồi phục như thời điểm trước dịch Covid-19. Lương tối thiểu điều chỉnh từ 1/7 khiến họ đối diện tăng chi phí.

"Lương tăng nên bắt buộc doanh nghiệp phải có giá tăng. Vì thế, đàm phán đơn hàng cho quý IV năm nay chúng tôi chủ yếu muốn nâng giá với nhà mua khi đã giảm 20-50% tùy mã hàng trong hai năm qua, để bù đắp phần chi lương cho lao động", ông Hiếu nói.

Tương tự, Chủ tịch Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho hay nửa đầu năm nay doanh thu cải thiện hơn, song chi phí logistics tăng gấp đôi, dòng tiền về chậm, công ty không có lãi, thậm chí lỗ. "Công ty phải tái cấu trúc liên tục, cắt giảm các khoản đầu tư không hiệu quả và đổi mới công nghệ để tăng năng suất", ông Việt nói, thêm rằng nếu chi phí và tiền lương tiếp tục tăng, họ có thể phải tính tới biện pháp cuối cùng là giảm lao động.

Nhiều ông chủ doanh nghiệp còn lo ngại việc nâng lương sẽ khiến các phí bảo hiểm xã hội, công đoàn tăng lên. Các khoản này sau đó được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm cạnh tranh.

 

Song, không phải tất cả doanh nghiệp đều phải điều chỉnh theo quy định mới. Chính phủ quy định doanh nghiệp đang trả lương cho lao động cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu thì duy trì như hiện tại. Chỉ khoảng 10% người lao động tại Secoin (doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng sở hữu 9 nhà máy trên toàn quốc) được điều chỉnh lương đợt này. Bởi lương bình quân người lao động tại đây trên 10 triệu đồng một tháng, tức gấp hơn hai lần mức tối thiểu. Với lý do tương tự, khoảng 5% lao động tại Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt được tăng lương từ 1/7, theo CEO Trương Chí Thiện.

Dù vậy, theo ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin, họ cũng đang xoay sở trước tình hình kinh doanh giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19 suốt 5 năm qua. Doanh thu nửa đầu năm của công ty sụt 10-15% so với cùng kỳ. Ông Kỳ ước tính năm nay công ty khó có lãi. Nhiều doanh nghiệp cùng ngành thậm chí lỗ do bị bủa vây bởi các chi phí đầu vào như nhân công, nguyên liệu và bảo hiểm tăng cao.

Ngược với tâm trạng của giới chủ, người lao động mừng trước thông tin tăng lương. Chị Lan Hương, công nhân công ty may tại Khu công nghiệp ở Phố Nối (Hưng Yên) cho biết, lương cơ bản hàng tháng gần 4,7 triệu đồng, chưa gồm các khoản phụ cấp như chuyên cần 500.000 đồng, đi lại 300.000 đồng. Tổng thu nhập chị Hương nhận mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng.

Lương tối thiểu điều chỉnh 6% so với hiện hành, dự kiến lao động như chị Hương sẽ được thêm 410.000 - 550.000 đồng một tháng, tùy địa phương. Mức tăng dù ít, chị Hương nói cũng giúp chị có thêm khoản bù đắp chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Theo giới phân tích, điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ là động lực để người lao động tăng năng suất, cạnh tranh. TS. Phạm Thị Thu Lan - Phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho rằng lao động đi làm đều quan tâm tới lương, nhất là người thu nhập thấp. "Họ muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi thu nhập thấp", bà nói, thêm rằng điều này giải thích tại sao tỷ lệ "nhảy việc" cao, 8-12% mỗi tháng ở các ngành thâm dụng lao động.

Lương tối thiểu thỏa đáng sẽ giúp họ trang trải chi phí đời sống. Ngoài ra, họ còn cần một khoản dự phòng cho phát sinh trong cuộc sống và tiết kiệm cho tương lai. "Điều chỉnh thu nhập là yếu tố để lao động gỡ bỏ nhiều mối lo, chuyên tâm vào chuyên môn", bà nói.

Cùng quan điểm, theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế trung ương, đây còn là yếu tố tạo sức ép để doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Người lao động khi đó có động lực nâng cao trình độ tay nghề, nếu không muốn mất việc, thu nhập thấp.

 

Tuy vậy, điều người lao động lo ngại là tình trạng giá cả tiêu dùng tăng theo lương. Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), trước đây, giá thường tăng khi lương điều chỉnh, thậm chí "nhảy" ngay khi có chủ trương thay đổi chính sách.

Những năm gần đây, Chính phủ, bộ ngành đưa ra nhiều giải pháp thích ứng, nên mức độ tác động tới thị trường, người dân được giảm bớt. "Tăng lương ít xảy ra chuyện giá leo thang, mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát", bà nhận xét.

Vụ trưởng Thống kê giá phân tích thực tế từ năm 2009, lương cơ sở tăng khoảng 280%, tối thiểu vùng thêm khoảng 480%, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ điều chỉnh 108%. Tức là, sau 15 năm, tốc độ điều chỉnh lương cao hơn nhiều so với CPI.

Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan thống kê đánh giá, đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vẫn nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra năm nay, 4 - 4,5%. Dù vậy, đại diện cơ quan thống kế thừa nhận, hiện tượng "té nước theo mưa" khi lương tăng vẫn xảy ra.

Để tránh tình trạng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cơ quan quản lý (quản lý thị trường, chính quyền địa phương) cần rà soát đầu ra - vào các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo mức tăng phù hợp, niêm yết giá. Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, giáo dục, ông Thịnh đề xuất nhà chức trách phải tính toán mức tăng phù hợp, có thời gian giãn cách, không tạo ra những cú sốc về giá.

vnexpress

 

8/7/2024: TP HCM cần khoảng 160.000 lao động

6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở TP HCM cần tuyển mới 153.500 -161.500 lao động, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành thương mại, dịch vụ, theo Falmi.

Thông tin được bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi), cho biết chiều 7/7. Số liệu được đưa ra khi đơn vị khảo sát cung - cầu lao động tại các doanh nghiệp, đánh giá tình hình kinh tế và số doanh nghiệp thành lập mới.

 

Khảo sát của đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho thấy những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển nhiều lao động nhất, từ hơn 102.000-108.000 người, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700-53.300 chỗ làm việc, chiếm hơn 33%. Tỷ lệ này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,08%, tương đương 123-129 vị trí.

 

Theo bà Hoàng Hiếu, hầu hết vị trí đều cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16%, trung cấp 21,72%, sơ cấp 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ hơn 12%, tương đương khoảng 19.800 vị trí.

Đánh giá của Falmi, tình hình kinh tế nửa đầu năm ở TP HCM có nhiều điểm sáng, đặc biệt các ngành ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, du lịch và bất động sản. Điều này khiến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng theo. Tình trạng lao động mất việc làm cũng giảm so với cùng kỳ. Số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, 6 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 75.327 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 7.262 hồ sơ, tương đương 8,79%, so với cùng kỳ.

 

Nhu cầu tuyển dụng tăng cũng là ghi nhận của nhiều công ty cung cấp dịch vụ lao động. Theo dữ liệu của Việc làm tốt, số lượng tin đăng tuyển dụng của quý 2 tăng trưởng 30% so với quý 1. Nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất ở các lĩnh vực như bán hàng, nhân viên kho vận, nhân viên văn phòng với lượng tin đăng tăng hơn 40%, nhân viên kinh doanh và tạp vụ tăng 30%, công nhân tăng 24% và nhân viên giao hàng, kho vận tăng 15%.

 

Tương tự, số liệu của Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng trong các lĩnh vực bán hàng và tiếp thị cho ngành công nghiệp, cũng như nhân sự là chuyên gia trong ngành sản xuất và cung ứng. Nhiều lĩnh vực như sản xuất và xuất khẩu có nhu cầu tuyển dụng tăng nhẹ ở mức 5% so với cùng kỳ.

 

Về khả năng chi trả lương của doanh nghiệp, số liệu của Falmi cho hay lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng tập trung ở các vị trí kỹ thuật điện tử, kỹ sư công nghệ thông tin, cơ khí, giám đốc marketing, nhân sự, bác sĩ chuyên khoa.

Từ trên 15-20 triệu đồng mỗi tháng tháng sẽ dành cho lập trình viên, chuyên viên truyền thông đa phương tiện, nhân viên tổ chức sự kiện, quản lý kho.

Mức lương từ trên 10-15 triệu đồng mỗi tháng dành cho các chuyên viên như kinh doanh bất động sản, marketing, kế toán, tài chính - ngân hàng.

Mức lương từ 5-10 triệu đồng mỗi tháng dành cho nhân viên bán hàng, an ninh, nhập liệu, thợ cơ khí, hành máy móc công nghiệp.

Doanh nghiệp trả lương mỗi tháng dưới 5 triệu đồng cho nhân viên giao hàng, kho, bán hàng, dọn dẹp phòng, phục vụ, thu ngân, lễ tân.

 

Khảo sát của Falmi cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi có 154 doanh nghiệp, tỷ lệ gần 24% trả lời khó kiếm người, tập trung ở nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Để hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố có các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như sàn giao dịch liên tỉnh, trực tuyến, trực tiếp tại các địa phương, trường đại học - cao đẳng.

vnexpress

Giới thiệu

Quý khách hàng sẽ được tư vấn đầy đủ, đáp ứng chính xác nhu cầu với giải pháp phù hợp, hàng hóa sản phẩm từ những thương hiệu uy tín hàng đầu, đầy đủ tính năng cần thiết, giao hàng và lắp đặt nhanh chóng kịp thời tận nơi.

Gửi yêu cầu ngay cho chúng tôi để được tư vấn nhanh chóng.

 

GIẢI PHÁP PHÙ HỢP - SẢN PHẨM CHÍNH HÃNG - DỊCH VỤ CHUYÊN NGHIỆP !

 

ADAVI chân thành cảm ơn và hân hạnh phục vụ quý khách hàng!

Copyright © 2018 Adavi. All rights reserved. Designed by nina.vn

Email không hợp lệ

Show Vui lòng nhập mật khẩu

Quên mật khẩu?

Vui lòng nhập họ tên

Email không hợp lệ Email đã có người sử dung. Vui lòng chọn email khác.

Show Vui lòng nhập mật khẩu

Vui lòng nhập số điện thoại

Vui lòng chọn Tỉnh/Thành Phố

Quên mật khẩu? Hãy điền địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo một mật khẩu mới.

Email không hợp lệ Email không tồn tại. Vui lòng nhập lại Email.

Trở lại đăng nhập

Close
Zalo